Cách đọc nghĩa ngược bài Tarot (Reversed Meanings)
Một bài viết khá hay của bạn Lê Vân về phương pháp đọc nghĩa ngược bài Tarot khi các lá bài bị lật ngược lại so với hình ảnh thông thường. Đây cũng là câu hỏi LT Tarot Shop gặp khá nhiều trước và sau khi các bạn mua hàng. Bài viết này dựa phần lớn trên quyển The Complete Book of Tarot Reversals của Mary K. Greer, và cách hiểu của bản thân người viết.
I. THẾ NÀO LÀ NGHĨA NGƯỢC
Đầu tiên, cần phân biệt bài xuôi/bài ngược, và nghĩa xuôi/nghĩa ngược.
1. Bài xuôi/bài ngược (Up-right/Reversed cards)
Bài ngược là khi hình ảnh lá bài bị lật ngược lại (180 độ) so với hình ảnh thông thường. Như trong hình minh họa sử dụng lá The Sun, bên trái là bài xuôi (thuận), bên phải là bài ngược.
Một số bộ tarot sử dụng bài hai chiều, tức là, khi xáo bài có thể vừa xáo vừa xoay để tạo ra bài xuôi/ngược xen lẫn. Lại có một số bộ chỉ sử dụng bài một chiều, tức là, xáo bài bình thường, khi gặp lá bài ngược có thể xoay lại vị trí bình thường rồi đọc bài tiếp. Để biết bộ nào xem hai chiều hay một chiều, đầu tiên dựa vào mặt sau của lá bài có đối xứng không hay nhìn ra được lá nào xuôi, lá nào ngược; kế đến là dựa vào ý định của tác giả bộ bài, thường được viết trong companion hoặc booklet; và thứ ba là dựa trên sở thích của reader, vì có những bộ dùng được hai chiều nhưng reader thích sử dụng một chiều, và ngược lại.
Bài có thể xem một hay hai chiều, nên bài ngược có thể có hoặc không. Nhưng nghĩa ngược thì bộ nào cũng có.
2. Nghĩa xuôi/nghĩa ngược (Up-right/Reversed meanings)
Nghĩa xuôi là khi ý nghĩa của lá bài được thể hiện trực tiếp, thuận lợi và tích cực. Còn nghĩa ngược tức là vấn đề của lá bài gặp trục trặc, có ngầm ý khác và có thể tiêu cực hơn. Có thể hiểu nghĩa xuôi là khi vấn đề ở ngoài sáng, mọi thứ đều được nhìn thấy rõ ràng, còn nghĩa ngược là vấn đề nằm trong tối, bóng tối thể hiện có tồn tại những góc khuất mà mình chưa hiểu được, khi đó cần sự nhạy cảm và lưu ý đặc biệt đến vấn đề hơn.
Nghĩa ngược xuất hiện khi sử dụng bài ngược. Nhưng kể cả khi dùng bài một chiều, nghĩa ngược vẫn có thể xuất hiện khi lá bài nằm ở những vị trí như khó khăn, thử thách, cản trở, điểm yếu, lo lắng và sợ hãi. Đối với một lá bài, nghĩa xuôi – ngược không phải là hai cực đối lập như có-không, xấu-tốt, mà là một phạm vi nghĩa với nhiều mức độ nghĩa khác nhau, giống như từ màu trắng đến màu đen có rất nhiều mức độ xám ở giữa.
Bài viết này sẽ phần nào giúp các bạn cách nhìn ra những sắc xám khác nhau đó.
II. KHI NÀO CẦN CHÚ Ý BÀI/NGHĨA NGƯỢC
1. Khi có nhiều bài ngược trong trải bài, những khả năng sau đây có thể xảy ra:
– Sự tiêu cực, thiếu tập trung, thành tâm tin tưởng của người xem (querent, và có khi cả reader)
– Trải bài không phù hợp, có thể dùng trải bài khác để xem xét lại câu hỏi
– Xác nhận, khẳng định lại những nỗi lo lắng, sợ hãi, góc tối của querent
– Vấn đề không có câu trả lời, chuyện không thành hoặc vô ích, không đi đến đâu
– Ngoài ra có thể để ý tổng thể các lá ngược có cùng một chủ đề, vấn đề hay không, từ đó nhận ra vấn đề cần khắc phục và phương hướng giải quyết.
Theo kinh nghiệm của bản thân người viết, bài ra ngược nhiều (hơn 50% tổng lá bài), thường do querent không tin tưởng, hoặc chuyện mà querent hỏi sẽ không xảy ra, mang tính giả định cao (ví dụ như, câu hỏi là “nếu tôi đi du học được thì cuộc sống ở đó sẽ thế nào”, nghe có vẻ hợp lý, nhưng sẽ không xảy ra nếu querent không có ý định hoặc điều kiện đi du học, chỉ hỏi cho vui).
2. Khi muốn khai thác những vấn đề của bài ngược/nghĩa ngược:
– Sự hạn chế, cản trở, chậm trễ
– Điều tôi không thấy ở bản thân mình
– Tôi gặp khó khăn ở đâu
– Bước đột phá, bước ngoặt (nếu có)
– Ý tưởng mới (chưa được nhận biết)
III. CÁC CÁCH ĐỌC NGHĨA NGƯỢC
Trước khi đọc được nghĩa ngược, bạn cần phải nắm vững nghĩa xuôi. Nghĩa của một lá bài là một trường nghĩa (những nghĩa liên quan) có thể suy ra được từ trọng tâm của lá bài. Học nghĩa của một lá bài không phải chỉ học từ khóa rời rạc, mà còn phải nhìn ra điểm chung của chúng, từ chi tiết gì để ra được từ khóa đó, thì từ đó mới dễ nhớ và dễ ứng dụng linh hoạt trong những trường hợp khác.
Ví dụ như lá The Star, từ khóa có thể là “hi vọng, lí tưởng, sự dẫn đường trong đêm tối, nghệ thuật, mơ mộng. Tưởng chừng như rời rạc, nhưng các từ khóa này đều xoay quanh hình ảnh trọng tâm “ngôi sao trên bầu trời đêm tối”. Trên trời đêm tối kịt, tưởng chừng như những lúc tuyệt vọng, tối tăm, hoang mang nhất, vẫn còn những ánh sao lấp lánh như thể ánh sáng không bao giờ biến mất, từ đó có “hi vọng”. Hay từ ngôi sao Bắc Đẩu để xác định đường đi phương hướng, để có từ khóa “sự dẫn đường trong đêm tối”. Và vì các ngôi sao ở trên trời, vừa là biểu hiện của cái đẹp, nhưng dù có đi thế nào cũng không bao giờ chạm tới lấy được, nên thể hiện cho “lí tưởng”, và cũng như theo đuổi “nghệ thuật”. Đây chỉ là ví dụ, vì cách hiểu và diễn giải nghĩa của mỗi người sẽ khác nhau dựa trên thế giới quan riêng biệt.
Khi đã nắm vững nghĩa xuôi rồi, thì nghĩa ngược chỉ là một chút biến tấu, chứ không phải học thêm nghĩa mới. Lại lấy ví dụ lá The Star, những ngôi sao trên trời có theo thế nào cũng không chạm tới, vậy hi vọng, lí tưởng hay nghệ thuật đang theo đuổi có phải là một sự viễn vông, phi thực tế, là mơ mộng hão huyền? Chưa kể trên trời còn có nhiều ngôi sao, chứ không độc nhất như mặt trăng, mặt trời, nên trong quá trình theo đuổi mục tiêu sẽ dễ mất tập trung, phân tâm, chia trí, dễ bỏ dỡ giữa chừng để theo đuổi “ngôi sao” khác. Nói vui, trong khía cạnh tình cảm ra The Star có thể hiểu là “lắm mối tối nằm không”.
Sau đây là một số (13) cách để đọc nghĩa ngược – biến tấu dựa trên những nghĩa xuôi mà bạn đã hiểu biết được.
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.